TIN TỨC NỔI BẬT

Bộ Xây dựng: Đất nền vẫn là kênh đầu tư an toàn
admin - 2020-10-10 09:10:00 - custom.view 883

Lượng giao dịch, nguồn cung bất động sản có xu hướng giảm trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm nay. Trong dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường , đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp. Với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch và vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Chính phủ vừa có báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết thị trường bất động sản năm 2019 và 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Trong đó, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018. Nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 (giai đoạn quý III, quý IV/2019), một số chỉ tiêu thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước (lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ 2018).

Hiện nay, thị trường bất động sản đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường.Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Trong 6 tháng đầu năm, nguồn cung nhà ở tăng tuy nhiên vẫn còn hạn chế và giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

Giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, giá nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019.

Về thu hút nguồn vốn FDI sau một số năm, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo). Tuy nhiên, hiện nay theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. tính đến hết tháng 6, vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đăng ký 850 triệu USD, chiếm 5,7% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Bộ Xây dựng dự báo trong ngắn hạn có thể thị trường tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Còn với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền là phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Cũng theo Bộ Xây dựng, các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay “phát triển nóng”.

Tóm tắt diễn biến thị trường bất động sản từ tháng 12/2015 đến nay

Thị trường bất động sản từ tháng 12/2015 đến nay đã tăng trưởng ổn định, cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, bao gồm bất động sản nhà ở; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng, các công trình dịch vụ, thương mại; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp..

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort); tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).

Cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị.

Năm 2018, tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính xảy ra tại một số địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP HCM). Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản. Các địa phương cũng đã có các động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa, giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền đến người dân.

Năm 2019, thị trường tiếp tục xuất hiện tình trạng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn tại một số địa phương, tình trạng xuất hiện một số dự án không đủ cơ sở pháp lý được thực hiện giao dịch, mua bán. Tình trạng này tuy chưa ảnh hưởng lớn nhưng là nguy cơ gây bất ổn đối với thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

Theo Lâm Tùng
Người đồng hành