Tin tức & Sự kiện

6 tháng cuối năm, nhiều yếu tố tích cực?
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1031

Có rất nhiều nhận định khác nhau về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm và năm 2020, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng thị trường sẽ có nhiều yếu tố tích cực hơn.

Như Thời báo Kinh doanh đã đưa tin, quý II/2019, nguồn cung căn hộ cả nước đạt 19.084 căn, giao dịch đạt 12.520 căn; nguồn cung thấp tầng đạt 10.203 căn, giao dịch đạt 5.595 căn.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn cung đạt 50.285 căn, giao dịch đạt 32.233 căn. Dự báo 6 tháng cuối năm 2019, nguồn cung căn hộ ở cả hai miền sẽ tăng do các dự án của các doanh nghiệp địa ốc sắp hoàn thành.

Thị trường tự điều chỉnh

Báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản đưa ra số liệu có sự chênh lệch nhau, nhưng nhìn chung về tổng thể cho thấy nguồn cung sụt giảm theo năm, nhưng tăng so với quý. Nguyên nhân là do nhiều dự án đang phải tạm dừng triển khai cấp giấy phép để rà soát lại quá trình đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến trái chiều về thị trường bất động sản tiếp tục phát triển hay sắp xì hơi bong bóng. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn của các nhà đầu tư.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, cho hay hiện nay có rất nhiều nhận định khác nhau về thị trường bất động sản. Trong đó, một số ý kiến tin rằng thị trường đang đứng trước ngưỡng bong bóng xì hơi, số khác đánh giá thị trường hiện nay rất khó dự đoán.

"Thị trường hiện tại phức tạp và khó đoán định. Tuy vậy, thị trường đang tự điều chỉnh để bước sang cấp độ tích cực hơn, hướng đến ngày càng minh bạch và bền vững", ông Lâm nhận định.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng có ý kiến nhận định thị trường bất động sản năm 2018 và 2019 sẽ đi xuống theo chu kỳ 10 năm. Nhưng theo ông Hà, giai đoạn này vẫn cho thấy sự phát triển khá ổn định, mặc dù có giảm nguồn cung song lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở có sự tăng trưởng tốt.

Nhiều chuyên gia vẫn lạc quan thị trường tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi

Trong nửa cuối năm 2019, các thị trường thành phố lớn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cũng đã nhận thấy dấu hiệu bất ổn về việc giảm nguồn cung nên tại một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM đang đẩy nhanh, giảm bớt thời gian thủ tục hành chính.

Theo ông Lâm, xét về tổng quan thị trường, sức cầu vẫn ở mức cao và tỷ lệ tiêu thụ dự án mới ghi nhận rất tốt. Riêng tại Tp.HCM, nguồn cung thấp đã thúc đẩy thị trường lân cận trở nên sôi động hơn.

Trong nhiều tháng qua, loại hình căn hộ hạng A và hạng sang chiếm tỷ trọng lớn, trong khi thiếu vắng căn hộ hạng C đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận dân cư. Việc thiếu hụt nguồn cung đẩy áp lực tăng giá ngày càng cao.

Bên cạnh đó, việc triển khai cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu liên kết vùng và sự phát triển của thị trường. Đồng thời, chính sách siết chặt tín dụng cho vay bất động sản và vấn đề thủ tục pháp lý còn chưa thuận tiện đã gây nhiều trở ngại cho các chủ đầu tư và người mua…

Lạc quan thị trường

Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, nêu ra 4 khó khăn của thị trường: Nguồn vốn được siết chặt hơn từ nguồn vốn nhà nước và ngân hàng; các thông tin về bất động sản vẫn đang còn thiếu minh bạch, ví dụ như các quy hoạch vị trí dự án chưa rõ ràng; Những thông tin sốt đất chưa được xử lý kịp thời; Thủ tục hành chính mặc dù đã cải cách nhưng kết quả chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Ông Nguyễn Mạnh Hà lạc quan cho rằng bên cạnh những thách thức vẫn có nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định.

Thứ nhất, nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn và các khu hành chính – kinh tế mới.

Thứ hai, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam giúp cho thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.

Thứ ba, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ làm cho các khoản vay bất động sản chất lượng và lành mạnh hơn, giảm nợ xấu, đồng thời sẽ kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào bất động sản như: Vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán bất động sản.

Thứ tư, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển, đặc biệt là các thị trường mới. Nguồn lợi từ bất động sản nghỉ dưỡng sẽ thúc đẩy các địa phương mới phát triển.

Thứ năm, xu thế phát triển bất động sản quy mô thành phố thu nhỏ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, bất động sản thông minh, bất động sản xanh sẽ là xu thế phát triển chủ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Thứ sáu, giá bất động sản có thể tăng nhẹ do thiếu nguồn cung ở Hà Nội và Tp.HCM.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối đầu với thách thức, khó khăn. Ngoài việc khan hiếm nguồn cung, chính sách siết tín dụng vào bất động sản cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường.

"Việc kiểm soát chặt chẽ hơn với nguồn tín dụng trên thị trường khiến nguồn tiền đổ vào bất động sản sụt giảm. Từ đó, không chỉ bất động sản bị ảnh hưởng mà các ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, nội thất trang trí… cũng bị ảnh hưởng theo", ông Hà nhấn mạnh.

Phạm Minh