Tin tức & Sự kiện

Nhận diện tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cuối năm 2019
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1002

Theo các chuyên gia bất động sản, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn, do đó tiềm năng cho bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng còn rất nhiều.

Du lịch song hành cùng bất động sản nghỉ dưỡng

Việt Nam có chiều dài biển bằng với chiều dài của đất nước, do đó, tiềm năng du lịch biển luôn thu hút được du khách trong và ngoài nước. Cũng chính điều này hấp dẫn các chủ đầu tư quốc tế tìm đến Việt Nam rót tiền đầu tư và phát triển các dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ, tiêu chuẩn cao.

Năm 2018, Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á và xếp thứ 3 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới. Cũng trong năm 2018, ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP đất nước đạt 629.000 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2015-2018, đóng góp lần lượt 6,33%, 6,96% và 8,5%. Chính điều này đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của khối ngành dịch vụ từ 38,7% (năm 2000) lên 42,7% (năm 2018).

Nhận diện tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cuối năm 2019

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.2000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến để hoàn thành mục tiêu đón và phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS nghỉ dưỡng nửa cuối năm 2019 sẽ có tín hiệu tích cực khi nhiều chủ đầu tư lớn sẽ cùng lúc chào sân các dự án quy mô ra thị trường. 

Nhận diện tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Mặc dù tiềm năng BĐS nghỉ dưỡng còn lớn, thế nhưng phân khúc này chỉ bắt đầu nóng dần lên và trở thành tâm điểm đầu tư từ các đại gia vào cuối năm 2016.

Lúc này, ở phía bắc tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc trở nên sôi động hơn bao giờ hết nhờ sự thay đổi về hạ tầng giao thông được cải thiện như tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, sân bay Cát Bi, cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch huyện, Cao tốc Hải Phòng – Hạ Long…đã thu hút dòng vốn đầu tư từ các chủ đầu tư lớn. Các dòng sản phẩm về bất động sản nghỉ dưỡng được hình thành như nhà phố thương mại, biệt thự ven biển…

Ở khu vực phía Nam về hạ tầng cũng được phát triển khi cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Long Thành đi vào hoạt động đã rút ngắn khoảng cách quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết, giúp thị trường này trở thành miếng bánh ngon mà nhà đầu tư nào cũng muốn sở hữu. Ngoài ra còn Phú Quốc, mặc dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng Phú Quốc có những lợi thế riêng cộng lực cùng chính sách phát triển trở thành đặc khu đã tạo nên cú huých mạnh mẽ cho bất động sản Phú Quốc...

Là điểm nóng tiếp theo, Đà Nẵng, Nha Trang là cái tên phải kể đến đầu tiên tại miền Trung với hàng loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào đây.

Vịnh Lăng Cô là tâm điểm hút khách của Huế

Tính đến nay, các thị trường nói trên vẫn thuộc top những thị trường nổi bật về sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên đã xuất hiện thêm nhiều cái tên mới như Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận và đặc biệt là Huế.

Bên cạnh lợi thế về quỹ đất và chính sách, Huế được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn với du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, văn hóa độc đáo…. Tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Huế đón 2,5 triệu lượt khách, tăng 5,13% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,11 triệu lượt, tăng 9,89%; khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1,14 triệu lượt; doanh thu từ du lịch đạt 2.405 tỷ đồng.

Trước tiềm năng này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã “rót” vốn xây dựng nhiều Khu du lịch nghỉ dưỡng với quy mô lớn để phục vụ nguồn lưu trú tại đây.