Tin tức & Sự kiện

“Vốn ngân hàng không siết tại tất cả các dự án bất động sản”
admin - 2020-06-15 14:07:26 - custom.view 1023

Số liệu và nhìn nhận của chuyên gia cho thấy vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản, mà không hẳn bị siết chặt như quan ngại.

“Vốn ngân hàng không siết tại tất cả các dự án bất động sản”

Năm 2019, thị trường đón những thông tin Ngân hàng Nhà nước có chính sách siết vốn tín dụng vào bất động sản bằng các biện pháp: nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%; giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% xuống 40% kể từ đầu năm 2019; dự thảo thông tư mới có định hướng tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 35% vào năm 2020 và tiến tới còn 30% trong thời gian sau đó; hệ số rủi ro cho vay bất động sản cũng sẽ được nâng từ 200% lên 250%, thậm chí 300% nếu cần...

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 với những thay đổi trong quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.

Theo dự thảo mới, hệ số rủi ro mà các ngân hàng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân có dư nợ từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ là 150%. Nội dung mới này được cho là sẽ gián tiếp “siết” dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,33% so với cuối năm 2018. Riêng lĩnh vực bất động sản, dư nợ tín dụng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2018, trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản đạt 473.700 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018, tín dụng tiêu dùng bất động sản (không phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản) đạt 919.600 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2018.

Số liệu trên cho thấy vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản, mà không hẳn bị siết chặt như quan ngại trong những thông tin có trên thị trường thời gian qua.

Và ở một diễn biến mới, chia sẻ tại toạ đàm “Đón sóng cổ phiếu bất động sản, xây dựng cuối năm 2019” do BizLIVE tổ chức ngày 30/7 tại TP.HCM, TS. Luật sư Bùi Quang Tín cho biết, ngoài công cụ về hạn mức cấp tín dụng cho các ngân hàng thương mại, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 là 14%, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nới "room" tín dụng, tín hiệu vốn chảy vào các ngóc nghách nền kinh tế cho thấy các định hướng sáng cho thị trường bất động sản.

"Nói chính sách siết dòng vốn vào bất động sản là chưa đầy đủ. Thực chất chỉ siết một số dự án , chủ đầu tư, không phải siết tất cả. Trong thời gian tới cuối năm dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào thị trường, từ 16-18%. Dự báo cuối năm có nhiều điểm sáng trong đó có dòng vốn vào thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản", ông Tín nói.

Về dự báo thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2019, theo ông Tín dự báo dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào bất động sản. Điều này có được dựa trên cơ sở nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thể hiện GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08%, cao nhất 10 năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, GDP tăng trưởng 6,4%, thấp hơn 2018 nhưng vẫn gần bằng mức cao nhất 10 năm.

Thị trường bất động sản là một trong những kênh kết nối với các ngành trong nền kinh tế. 6 tháng cuối năm 2018 thị trường có chậm lại, tình hình này sẽ tương tự trong 6 tháng đầu năm 2019. Mặc dù thị trường tuy chậm nhưng chưa tác động lan toả tới nền kinh tế.

Về các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, chính sách tiền tệ có 5 công cụ, trong đó có 3 công cụ Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ mạnh, chứ không siết chặt như những quan ngại trên.

Theo chia sẻ của chuyên gia tại tọa đàm, trong khi nhiều nước thời gian qua phá giá đồng tiền, thậm chí có quốc gia phá giá 35% thì VND vẫn giữ ổn định, mất giá chỉ khoảng 2,5%. Trong 6 tháng qua, tỷ giá gần bằng mức cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định tỷ giá giúp bình ổn lãi suất , giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%. Mức lạm phát mới công bố gần 2,7%.

Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm "Đón sóng cổ phiếu bất động, xây dựng cuối năm 2019" do BizLIVE tổ chức.

Các chuyên gia chia sẻ tại toạ đàm "Đón sóng cổ phiếu bất động, xây dựng cuối năm 2019" do BizLIVE tổ chức.

Nhận định về thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2019, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng nguồn cung trên thị trường bất động sản giảm, việc bán không đạt mức cao là đúng nhưng câu hỏi lớn thị trường bất động sản có sụt giảm không, ông Hiển đặt vấn đề và cho biết, theo quan sát của ông "thấy chưa có dấu hiệu giảm".

"Bản thân tôi có đi hỏi mua căn hộ tại TP.HCM từ tháng 3 đến tháng 6 giá chưa giảm. Tôi có ra Đà Nẵng đi một số vùng, năm 2019 một số đất vùng ven lại sốt giá, giá tăng thật, giao dịch thật. Thị trường có hai vấn đề, có những sản phẩm dự án lớn sẽ bị kẹt lâu, người mua lỡ ôm không có người thuê mua nhưng không chịu giảm giá mà đứng giá. Tình trạng tính thanh khoản giảm ở những khu vực đó. Người dân tiếp tục tin vào đất, họ cứ mua và để đó", ông Hiển nêu nhận định.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Tín cũng cho rằng: "Mặc dù tổng lượng giao dịch bất động sản 6 tháng đầu năm giảm 34% nhưng giá không giảm, nên đợt khó khăn lần này của thị trường bất động sản không giống như các đợt đi xuống trước đây. Chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt là cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán, bất động sản và tăng trưởng cộng hưởng của các nhóm ngành".\

Theo Hoàng Anh

BizLive